(0)
Bưu cục vnpost
028 3843 9540
06/01/2017 10:28
Lược sử Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Giáo xứ ĐMHCG được thành lập vào năm 1963, đến nay (2013) vừa tròn 50 năm, và được kể là một Giáo xứ non trẻ so với các Giáo xứ kỳ cựu của Giáo phận Sàigòn, nhất là hai trong các giáo xứ mẹ: Giáo xứ Chợ Đũi, thành lập năm 1859 (cách nay 154 năm) và Giáo xứ Tân Định, thành lập năm 1860 (cách nay 153 năm). Giáo xứ ĐMHCG được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc. Vì thế, linh mục chánh xứ là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế do Bề trên Dòng cử ra và được Tòa Tổng Giám mục chấp thuận.
Vào năm 1960, số giáo dân quy tụ quanh Đền ĐMHCG của Dòng Chúa Cứu Thế rất đông. Họ ở gần Đền Đức Mẹ, nhưng lại ở xa các Nhà Thờ Tân Định, Chợ Đũi, Hòa Hưng, An Phú, nên việc quản trị của các Giáo xứ gặp nhiều khó khăn vì quá tải. Giáo dân cũng gặp khó khăn không ít khi phải xin lãnh nhận các bí tích như: rửa tội, thêm sức, hôn phối, xức dầu bệnh nhân…
Vì thế, linh mục chánh xứ Giáo xứ Tân Định ngỏ lời với Tu viện DCCT Sàigòn đảm nhận một Giáo xứ. Sau nhiều năm chuẩn bị, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình quyết định thành lập một Giáo xứ mới và ủy thác cho Phụ tỉnh DCCT Việt Nam.
Về phía Phụ tỉnh DCCT Việt Nam, dù công việc truyền giáo, giảng đại phúc của Nhà Dòng đã khá nặng nề, các linh mục, tu sĩ trong Dòng vui lòng dấn thân phục vụ dân Chúa tại đây. Linh mục Gioan Nguyễn Văn Thính, đại diện Phụ tỉnh đón nhận sự ủy thác của Đức Tổng Giám mục Sàigòn.
Hai bên đã thỏa thuận và cùng ký hợp đồng ngày 12/3/1963, khai sinh Giáo xứ ĐMHCG. Phía Tổng Giáo phận Sàigòn do Linh mục Lê Trung Thịnh chưởng ấn Tòa Tổng Giám Mục ký. Phía Phụ tỉnh DCCT Việt Nam do Linh mục Gioan Nguyễn Văn Thính, Bề trên Phụ tỉnh ký.
Theo hợp đồng đã ký kể trên, lãnh thổ Giáo xứ ĐMHCG được ấn định là khoảnh đất được nằm trong một vành đai: bắt đầu từ ngã tư đường Phan Thanh Giản (nay là Trần Quốc Thảo) và vòng theo đường Trương Minh Giảng cho tới cầu Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo, rồi hướng về hẻm 75 đường Nguyễn Thông nối dài (nay là đường Trần Văn Đang) cho đến đường xe lửa, đoạn ăn suốt cho tới số 210 đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), cắt ngang đường Nguyễn Thông trở về ngã tư Điện Biên Phủ và Trần Quốc Thảo qua đường Điện Biên Phủ. (mục 2).
Giáo xứ ĐMHCG hiện nay nằm trong lãnh thổ các Phường 9, 10 thuộc Quận 3, TPHCM. Giới hạn bởi các đường bắt đầu là ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Quốc Thảo đến cầu Trần Quốc Thảo dọc theo kênh Nhiêu Lộc qua cầu Trần Quang Diệu đến hẻm 75 Trần Văn Đang qua ga Sàigòn đến hẻm số 292 Cách Mạng Tháng Tám tới đường Lý Chính Thắng – tới Đoàn Thị Điểm và đường Điện Biên Phủ. Trước năm 1983, ranh Giáo xứ ĐMHCG đến hẻm 280 Cách Mạng Tháng Tám là hết. Nhưng vào năm 1983, các gia đình Công giáo (lúc đó là 13 gia đình) cư ngụ trong khu vực từ hẻm 280 đến hẻm 292 Cách Mạng Tháng Tám thuộc Giáo xứ Hòa Hưng, lấy lý do là họ ở gần Đền ĐMHCG hơn là Nhà Thờ Hòa Hưng, nên xin và được chấp thuận cho sáp nhập Giáo xứ ĐMHCG. Từ đó, các gia đình Công giáo cư ngụ bên số chẳn hẻm 292 Cách Mạng Tháng Tám trở lại là tín hữu Giáo xứ ĐMHCG.
Về tài sản, bản hợp đồng ghi: Nhà Thờ Giáo xứ là Thánh đường tọa lạc trên đường Kỳ Đồng. Thánh đường này cũng như các cơ sở tiếp cận như Tu viện, tòa báo, nhà tĩnh tâm đều là sở hữu của Tu viện DCCT và chính Dòng này có quyền quản trị bây giờ và sau này (mục 3).
Dòng Chúa Cứu Thế đến Việt Nam năm 1925 và lập nhà tại Sàigòn vào năm 1933, đến nay (2013) đã được tròn 80 năm. Đặc sủng của Dòng là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và mở các tuần đại phúc. Như vậy sau 30 năm có mặt, Dòng nhận cai quản Giáo xứ mang tên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và tổ chức Giáo xứ thành trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trước đây, hằng tuần giờ hành hương được tổ chức vào thứ tư, sau vào thứ bảy như hiện nay.
Vì số người đến với Đức Mẹ ngày càng đông và Nhà Thờ cũng không còn phù hợp, nên các linh mục đã nghĩ đến việc xây dựng một ngôi Nhà Thờ mới rộng rãi, khang trang để đón khách hành hương đến với Đức Mẹ.
Ngôi Nhà Thờ hiện tại được khởi công xây dựng vào năm 1949 và khánh thành vào ngày 03/08/1952. Ở cuối Nhà Thờ có gắn một bia đá nhỏ đề:
“DCCD TABERNACULUM DEI CUM HOMINIBUS” 3.8.A.D.1952,
nghĩa là
“ĐÂY LÀ NHÀ TẠM CỦA THIÊN CHÚA Ở CÙNG NHÂN LOẠI” NGÀY 03 THÁNG 8 NĂM CHÚA GIÁNG SINH 1952.
Linh mục Bề trên Beliemare (1946 – 1953) là người đã khởi công và khánh thành ngôi Nhà Thờ này. Phí tổn hết 5.000.000 (năm triệu) đồng bạc Đông Dương.
Như vậy, Đền ĐMHCG (khánh thành năm 1952), vào năm 1963 trở thành Nhà Thờ Giáo xứ ĐMHCG, có hai chức năng chính:
Nơi tổ chức các cuộc hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của DCCT.
Nơi làm mục vụ Giáo xứ ĐMHCG.
Hang đá nhà thờ Kỳ Đồng
(Lược trích “40 Năm Thành Lập Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 1963 – 2003” Phần I trang 7 – 8)
(Còn tiếp).
Người ghi: Gioa-kim Phạm Văn Lượng, TTK.HĐMV.GX.ĐMHCG